“Về miền thương nhớ” Tập thơ để lại nhiều dấu ấn…

“Về miền thương nhớ” Tập thơ để lại nhiều dấu ấn… / Lại Quang Phục

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập

Hội đồng hương tỉnh Hà Nam tại TP. Nam Định 

Sau những trăn trở và những va đập do nội, ngoại cảnh tác động tạo nên những dư chấn kiến tạo, để đến hôm nay trong tay tôi đã có thi phẩm “ Về miền thương nhớ”. Tập thơ đầy đặn một trăm năm mươi trang chứa đựng “hồn câu, vía chữ” của hơn bốn mươi tác giả quê gốc Hà Nam. Từ mạch nguồn mang đậm hơi thở của hồn thơ Nguyễn Khuyến,văn phong Nam Cao…, thấm đẫm âm hưởng của các thi nhân Tú Xương, Nguyễn Bính… đã lắng đọng tạo nên những giọt tình sâu thẳm, nồng ấm men thơ và phiêu lãng trong thi phẩm “Về miền thương nhớ”,giữa mùa thu Nhâm Thìn 2012 này.

Trải qua 15 năm tái lập tỉnh, và thành lập hội đồng hương tỉnh Hà Nam tại thành phố Nam Định. Trưởng thành qua các phong trào thơ ca địa phương. Thơ của các tác giả là đồng hương Hà Nam tại Nam Định hôm nay ngày càng đậm đà nồng nàn hương sắc tình yêu, trầm lắng suy tư trước sự biến động của thế thái nhân tình, song chân chất mộc mạc chân thành như khoai sắn quê hương, đã khẳng định những dáng dấp đích thực của những hồn thơ mộc mạc với những hàm ngôn giàu cảm xúc, nặng ân tình.

Hãy lật từng trang trong tập thơ, ta bắt gặp màu xanh mượt mà của ruộng đồng Bình Lục, lặng lẽ Ao Thu, ngõ trúc lưa thưa mờ ảo trong sương. Như còn đâu đây bóng dáng thi hào An Đổ ngồi câu cá bên gốc gáo Vườn Bùi. Vẳng nghe từ sâu thẳm vọng về tiếng trồng đồng Ngọc Lũ rộn ràng hội quân gọi chim Hạc mỏ dài bay qua mặt trăng thời gian, giội về âm vang trống trận Bồ Đề:

Quê tôi là đất Bồ Đề

Vọng vang tiếng trống lời thề thiêng liêng

Đứng lên đạp mọi xích xiềng

Nông thôn cờ đỏ búa liềm tung bay

Trần Hoằng

Kia rồi bãi mía nương dâu bên bờ Châu Giang như dải lụa mềm vắt ngang mảnh đất ôm gọn trong lòng bao trầm tích của nền văn minh lúa nước Sông Hồng “ Đền Trần Thương, làng Vũ Đại, ông giáo Thứ… bao nhiêu nét văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn còn tồn tại mãi với thời gian trên mảnh đất này. Lý Nhân giờ đã đổi thay:

              Vui sao tiếng trẻ học đường

Nghe trống Bắc Lý mà thương “Chí Phèo”

Nhớ Nam Cao cảnh xưa nghèo

Mừng nay “Vũ Đại” có nhiều đổi thay

          Thăm Làng Vũ Đại -Trần văn Trụ

Ngược triền đê sông Hồng ta về với Duy Tiên, nhớ xưa vua Lý tịch điền được một hũ vàng nhỏ và một chĩnh bạc mà có ruộng “Kim Ngân”, để bây giờ trăng Đồng Văn tỏa sáng cùng Hà Thành, chùa Long Đọi vẫn vươn giữa cao xanh, khẳng định sự trường tồn của lịch sử, trước những biến động dịch chuyển của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước:

“Vươn giữa cao xanh bóng chùa Long Đọi

Hoàng Đế xuống đồng no ấm khắp thôn  làng”

                     Hà Nam quê tôi -Thạch Lạn

Theo quốc lộ 1A xe ta bon bon qua Phủ Lý về đất Thanh Liêm, Phố Động, dốc Bói còn đây, núi Non, núi Đụn, núi Bàn Cờ còn đây, hội vật Liễu Đôi mở hết mồng mười tháng giêng, Kẽm Trống, Trinh Tiết linh thiêng, bao la Bùng Lạng một miền núi sông, Thanh Liêm mảnh đất anh hùng:

“Tương truyền từ ngàn năm xưa

Núi thiêng đã dựng sinh từ vua Đinh

Đại Cồ Việt thuở bình minh

Lê Hoàn chiêu mộ chiến binh hợp về”

          Đền lăng Bảo Thái – Nguyễn Hữu Mạnh

                                 

Men theo triền núi ven sông Đáy trở về với đất Kim Bảng, cũng như Thanh Liêm vùng đất Cổ Bảng ngổn ngang thung lũng đá núi đan xen: Núi Cấm cuốn cờ, Chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ, đền Bà Lê Chân rực rỡ tượng vàng, khói xi măng Bút Sơn đêm ngày tỏa mơ màng, mang nặng lời thề hóa đá, Kim Bảng ngày càng thay da đổi sắc:

“Nhật Tân thoi dệt đêm ngày

Ngàn dâu kín bãi bên này Phù Vân

Bà Đanh nức tiếng xa gần

Bút Sơn khói tỏa sáng cùng Ba Sao”

                          Về quê – Duy Thái

Như một lẽ tự nhiên tất cả các dòng sông đều chảy về nơi đấy, Phủ Lý thành phố ngã ba sông vùng đất cổ của trấn Sơn Nam xưa, nay trẻ trung, rực hồng hương sắc, rực rỡ cờ hoa, nơi hội tụ khí thiêng sông núi đã tạo nên một Phủ Lý đổi mới và năng động bên cạnh Hà Nội thủ đô trái tim của tổ quốc:

“Rồng chầu hổ phục đất trời đây

Sông núi ôm nhau mải mê say

…Địa linh bừng nở sinh nhân kiệt

Nguyên khí tụ thêm phát sỹ tài…”

                     Non nước Hà Nam – Đinh Minh Cao

Bà con đồng hương Hà Nam tại thành phố Nam Định hòa vào niềm vui chung của nhân dân hai tỉnh. Xin kinh dâng quê hương Hà Nam tập thơ ”Về Miền thương nhớ”, với những vần thơ, câu chữ còn thủ công, ngổn ngang góc cạnh, thô ráp như đá sỏi quê nhà, song mộc mạc chân tình, dạt dào nghĩa nặng tình sâu đối với Hà Nam hai chữ thân thương. Đã biết rằng tập thơ “Về miền thương nhớ” còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết, song sản phẩm của cộng đồng bà con đồng hương đã phần nào điểm tô thêm cho bầu không khí sinh hoạt trong Hội đồng hương ngày càng phong phú đa dạng. Bởi vì thơ là một trong những điều không thể thiếu trong sinh hoạt giao lưu cộng đồng.

Chúng tôi mong rằng tác phẩm “Về miền thương nhớ”sẽ đáp ứng một phần nào đó đối với bà con đồng hương Hà Nam tại Nam định, trên tinh thần “Cây nhà lá vườn”. Bởi vốn dĩ thơ là vậy.

                                    Nam Định 05.10 .2012

LẠI QUANG PHỤC

 

Leave a comment